Ngay từ giai đoạn cho bé ăn dặm, khi cho bé ăn nếu quan sát kỹ mẹ sẽ nhận ra được ngay bé thích và không thích những gì. Việc điều chỉnh thực đơn đúng sở thích của bé sẽ giúp cho bé cảm thấy hào hứng, ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn.
Biếng ăn là một triệu chứng khá phổ biến ở nhiều trẻ em hiện nay và các bậc bố mẹ luôn phải đau đầu không biết làm sao để trẻ ăn ngon miệng và phát triển tốt nhất.
Sau đây xin mời các bố mẹ cùng tham khảo một số lời khuyên dưới đây để cải thiện tình hình ăn uống của các bé:
1. Tìm hiểu sở thích ăn uống của bé
Cũng giống như người lớn, mỗi bé cũng đều có những món ăn yêu thích, hợp hoặc không hợp khẩu vị riêng. Ngay từ giai đoạn cho bé ăn dặm, khi cho bé ăn nếu quan sát kỹ mẹ sẽ nhận ra được ngay bé thích và không thích những gì. Việc điều chỉnh thực đơn đúng sở thích của bé sẽ giúp cho bé cảm thấy hào hứng, ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh thực đơn mẹ cũng cần chú ý sao cho cân bằng giữa sở thích của bé nhưng vẫn đảm bảo bữa ăn đủ chất và lành mạnh. Chẳng hạn như, nếu bé thích thịt không thích rau, khi nấu cháo thịt mẹ có thể thêm một ít rau, sau đó tăng dần số lượng lên để trẻ quen dần.
2. Tự chế biến đồ ăn cho bé
Tự chế biến đồ ăn cho bé không chỉ đảm bảo được chất dinh dưỡng đầy đủ cho bé mà còn an toàn vệ sinh thực phẩm trong thực trạng vấn đề thực phẩm bẩn đang ngày một gia tăng như hiện nay.
Trong quá trình chế biến, mẹ cũng có thể tự điều chỉnh thành phần, nguyên liệu và gia vị phù hợp với khẩu vị và sở thích của con.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu đồ ăn sẵn chứa hàm lượng muối rất cao và không phù hợp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa của trẻ em. Vì vậy, khi chế biến mẹ cần chú ý nêm nếm vừa phải, dùng ít muối, hạn chế bột ngọt, đường hoặc các loại phụ gia khác.
3. Bổ sung đủ nước cho bé
Có nhiều người cho rằng, uống nhiều nước sẽ làm cho trẻ có cảm giác no và gây chán ăn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi vì việc biếng ăn xảy ra ở trẻ chủ yếu là do trẻ bị nhạt miệng, không cảm thấy các món ăn có vị đặc biệt dẫn đến chán ăn.
Đối với trẻ sơ sinh, dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể cung cấp nước thông qua sữa mẹ hoặc sữa bột công thức và tuyệt đối không cần thêm uống nước. Còn đối với trẻ 6 – 12 tháng tuổi, mỗi ngày mẹ nên cho bé uống khoảng 100 ml cho mỗi kg cân nặng bao gồm cả sữa. Trẻ trên 1 tuổi cần 1 lít nước mỗi ngày, nếu trẻ trên 10 kg thêm 50ml nước mỗi ngày.
Khi cho trẻ uống nước mẹ cần chú ý cho trẻ uống từng ngụm nhỏ và chia ra nhiều lần, tập trung nhiều hơn vào buổi sáng và buổi tối nên hạn chế uống nhiều nước vì có thể ảnh hưởng đến thận. Không nên cho trẻ uống nước nhiều vào trước bữa ăn khiến trẻ no và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
4. Cho bé ăn nhiều rau xanh và trái cây sạch
Là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rau xanh và trái cây cũng có tác dụng giúp bé làm sạch miệng, hạn chế tình trạng trắng lưỡi làm cho trẻ ăn không ngon. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bé còn yếu trong khi rau và trái cây chứa chất độc hại đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Do đó, khi mua mẹ nên chú ý lựa chọn kỹ càng, tốt nhất nên tự trồng rau để cho bé ăn.
5. Khuyến khích bé tập thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên giúp thể chất và não bộ của bé phát triển. Việc vận động cơ thể giúp cho các mạch máu được lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các chất, giải phóng năng lượng và chống béo phì cho bé.
Có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái cùng với sự đòi hỏi bù đắp nguồn năng lượng đã mất đi trong quá trình tập thể dục cũng góp phần giúp trẻ ăn ngon một cách tự nhiên mà không cần các biện pháp khác.
Thanh Hà