Các bậc cha mẹ cần biết cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn để nhanh chóng cũng như kịp thời bảo vệ sự an toàn cho con trẻ trước những nguy hiểm tiềm ẩn của môi trường sống xung quanh. Hãy tìm hiểu ngay những thông tin hữu ích dưới đây nhé!
1.Sơ cứu khi trẻ bị nghẹn hoặc hóc vật lạ.
– Cách sơ cứu tốt nhất khi thấy con trẻ bị nghẹn hoặc hóc vật lạ chính là đặt bé nằm sấp trên đùi, đầu của bé chúi về phía trước và thấp hơn phần thân. Sau đó, dùng tay chụm các ngón lại và vỗ nhẹ vào lưng của bé. Với trẻ trên 3 tuổi, có thể yêu cầu bé đứng thẳng và chúi đầu xuống đất sao cho phần đầu thấp hơn ngực. Tiếp đó lấy tay vỗ vào giữa hai xương bả vai của bé khoảng 5-7 cái, động tác vỗ phải dứt khoát.
– Cách khác, bạn có thể đặt bé nằm ngửa, đầu bé hơi ngửa ra sau, lưng dựa vào người bạn rồi dùng hai ngón tay ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn. Khi thực hiện thao tác này cần chú ý ấn vào bên trong đồng thời phải hơi đưa lên trên, động tác làm phải dứt khoát, nhanh và mạnh. Với trẻ đã lớn có thể nắm bàn tay lại thành quả đấm (ngón cái đặt vào trong) rồi thực hiện thao tác tương tự vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của trẻ.
Nếu đã thực hiện 2 cách trên mà vẫn không giúp trẻ đẩy vật là ra ngoài, hãy đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất.
2.Sơ cứu khi trẻ bị bỏng.
– Nếu bé bị bỏng do nước sôi, do chạm phải ống bô xe máy, trước hết hãy làm mát vết bỏng trong nước lạnh. Cho bé ngâm chỗ vết thương trong chậu nước sạch, hoặc có thể mở vòi nước nhỏ để xả nhẹ nhàng lên vết bỏng. Ngâm vết bỏng ít nhất 10 phút trong nước lạnh, sẽ giúp giảm đau và sưng phồng cho trẻ.
– Nếu trẻ bị bỏng do hóa chất, việc xối nước mát cần cẩn thận để tránh làm dây ra các vị trí khác trên cơ thể.
– Sau khi cho bé ngâm vết bỏng trong nước lạnh, tiếp tục băng vết thương lại bằng băng gạc sát khuẩn không có lông. Trong trường hợp vết bỏng của trẻ nặng hoặc to hơn bàn tay hãy thực hiện thao tác sơ cứu ngâm nước rồi cho bé đến bệnh viện để điều trị, tránh bị nhiễm trùng.
3.Sơ cứu khi trẻ bị điện giật.
Cha mẹ cần bình tĩnh để xử trí trong trường hợp này, nếu mất bình tĩnh có thể gây nguy hiểm cho cả con trẻ và chính bản thân bạn.
– Không chạm trực tiếp vào người của trẻ khi vẫn còn trong nguồn điện. Trước hết, hãy ngắt ngay nguồn điện nếu có thể. Nếu không bạn phải tìm cách lấy nguồn điện ra khỏi người trẻ. Cách làm, bạn phải đứng trên vật liệu cách điện khô để tránh chạm đất như: nhựa, vải khô, gỗ, cao su, để có thể tách bé và nguồn điện.
– Sau đó, kiểm tra hơi thở của trẻ, đặt trẻ nằm nghiêng một bên, co một bên đầu gối lên, và hạ phần đầu của trẻ xuống để bé không nuốt phải nước dãi chảy ra, đỡ cổ của bé bằng một cái gối. Đối với trẻ sơ sinh, hãy bế bé trong tay, đỡ phần đầu và hướng mặt bé xuống để tránh bị nghẹn. Tư thế này sẽ giúp trẻ dễ thở và không bị nghẹn. Khi đã sơ cứu thành công, nhanh chóng đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất.
Trung Anh (t/h)