Trẻ bị sinh non thiếu tháng thường bị nhẹ cân, cơ thể yếu ớt dễ bị bệnh tật và chậm phát triển hơn so với các em bé cùng trang lứa. Chính vì vậy bà bầu phòng ngừa nguy cơ sinh non là việc làm cần thiết trong suốt quá trình mang thai để bảo đảm em bé đủ 9 tháng 10 ngày sinh ra khỏe mạnh và phát triển tốt.
Dưới đây là 6 lưu ý giúp bà bầu phòng ngừa nguy cơ sinh non.
1. Ăn uống hợp lý cân bằng trong suốt thai kì.
Ăn uống là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình mang thai. Đây là nguồn cung cấp năng lượng cho mẹ bầu và bổ sung tất cả dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi bên trong bụng mẹ.
Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý và khoa học. Không phải cứ ăn nhiều là tốt, hãy ăn uống điều độ đủ chất sẽ mang lại lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuyệt đối không được nhịn ăn vì lo sợ tình trạng tăng cân, thừa cân và khó lấy lại vóc dáng sau sinh.
2. Bà bầu phải biết cách kiểm soát cân nặng.
Cân nặng và trọng lượng cơ thể của mẹ bầu tăng ở mức độ vừa phải sẽ giúp quá trình mang thai dễ chịu, khỏe khoắn và tránh được tình trạng sinh non.
Nếu cân nặng của phụ nữ mang thai quá nhẹ hoặc quá nặng đều tăng nguy cơ sinh non cao. Mẹ bầu cố gắng kiểm soát cơ thể tăng trong mức độ từ 10-15 kg là ổn.
3. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ khi mang thai.
Trong thời kì mang thai nếu chị em không chú ý vệ sinh vùng kín đảm bảo sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Trường hợp bà bầu bị nhiễm trùng nặng có thể khiến màng thai bị vỡ sớm, dẫn đến tình trạng sinh non.
Chính vì vậy chị em phụ nữ mang thai cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín, lựa chọn quần lót rộng rãi, thoải mái, chất liệu 100% làm từ cotton. Chất nhày trong âm đạo tiết ra nhiều có thể dùng băng vệ sinh nhưng chú ý thay thường xuyên, tránh lạm dụng rửa vùng kín nhiều lần trong ngày.
4. Vận động thích hợp trong lúc mang thai.
Các bác sĩ chuyên khoa luôn khuyến cáo phụ nữ khi mang thai nên tập luyện thể dục và vận động thường xuyên, điều độ để cơ thể khỏe mạnh, sinh đẻ dễ dàng hơn.
Bà bầu nên chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng và phù hợp với sức khỏe của mình. Tránh các động tác gây chèn ép vùng bụng, thời gian vận động vừa phải, không vận động quá sức vì rất dễ dẫn đến sinh non.
5. Lưu ý trong “chuyện yêu”.
Trong trường hợp bà bầu có nguy cơ sinh non cao nên tránh “ chuyện yêu” vào thời điểm cuối thai kì để tránh gây kích thích tử cung co thắt, sẽ dẫn đến sinh non.
6. Bà bầu cần đi kiểm tra định kỳ đều đặn.
Đi kiểm tra thai định kỳ là việc làm cần thiết đối với chị em đang mang thai. Khi đi khám bà bầu sẽ biết được tình hình phát triển của thai nhi và sức khỏe của bản thân có thực sự ổn định và tốt hay không. Bác sĩ sẽ có những lời khuyên và cách xử lý phù hợp dựa vào kết quả của mẹ bầu đã khám.
Khi thấy cơ thể có những biểu hiện lạ, bà bầu nên đi khám bác sĩ chuyên môn để biết tình trạng sức khỏe và sớm có cách khắc phục thích hợp nhất.
Sen Hồng (tổng hợp)