Khi mang thai, có nhiều dấu hiệu lạ xảy đến, mặc dù đó chỉ là những dấu hiệu mang thai bình thường nhưng lại hay bị lầm tưởng, điều này khiến cho không ít chị em lo lắng, nhất là mẹ bầu mang thai lần đầu. Để không bị bỡ ngỡ lo sợ khi mang thai, dưới đây là những dấu hiệu không đáng lo ở bà bầu, cùng tìm hiểu nhé!
1. Dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn
Ở giai đoạn đầu khi mang thai, mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nguyên nhân một phần là vì cơ thể chưa quen với sự phát triển của bào thai trong bụng, đồng thời nhiệt độ cơ thể tăng lên do sự tiết ra nhiều hơn của hormone progesterone sau khi thụ thai, làm cho cơ thể bạn đốt cháy nhiều năng lượng hơn.
Bên cạnh đó, nhịp tim của bà bầu lúc này cũng tăng lên để cung cấp đủ oxy cho quá trình phát triển của em bé trong bụng. Chính vì vậy, những điều này sẽ là nguyên nhân khiến mẹ bầu khó có thể tránh khỏi được những cơn mệt mỏi cùng cực.
Đi cùng với hiện tượng mệt mỏi thì buồn nôn cũng là một trong những dấu hiệu ốm nghén phổ biến, điều này khiến cho bà bầu luôn cảm thấy khó chịu khi mang thai. Dấu hiệu này có thể xảy đến khi bạn có bầu được khoảng 4 – 6 tuần và thường vào buổi sáng hay bất cứ thời điểm nào trong ngày.
2. Dấu hiệu khó thở, chóng mặt, ngất xỉu
Khó thở là một triệu chứng khá bình thường khi mang thai do nhu cầu oxy cần được bổ sung thêm vào cơ thể bà bầu nhằm cung cấp đầy đủ cho sự phát triển của thai nhi trong bụng. Các bà thường có hiện tượng này ngay ở giai đoạn đầu mang thai nhưng cũng có những bà bầu sẽ kéo dài đến 9 tháng thai kỳ.
Tuy nhiên, khi mẹ bầu khó thở với những lý do như không tập thể dục mà khó thở đột ngột, khó thở tồi tệ hơn khi nằm xuống hay đi kèm với những cơn đau không rõ nguyên nhân thì cần đi ngay bác sĩ để được khám và chuẩn đoán bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, thì chóng mặt, ngất xỉu cũng là dấu hiệu hết sức bình thường trong thời gian mang thai, bởi khi mang thai cơ thể cũng như hệ thống tim mạch phải thay đổi để thích nghi với những nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của thai nhi khiến cho lượng máu cơ thể tăng khoảng 40 – 45%, tim đập nhanh hơn.
3. Dấu hiệu đau lưng, căng tức ngực
Đau lưng cũng là một trong những dấu hiệu mà chị em thường gặp trong thời gian mang thai. Đây cũng là dấu hiệu khá thông thường nên các mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé, hiện tượng này là do dây chằng đang giãn ra làm cho các cơn đau nhức hoặc mỏi sống lưng xuất hiện.
Còn hiện tượng căng tức ngực, mẹ bầu cũng có thể nhận thấy rõ rệt kích thước vòng 1 sẽ tăng lên, đầu ngực sẫm lại, quầng vú nhiều hơn khiến cho bạn có cảm giác đau nhức hơn khi chạm vào. Đây cũng là dấu hiệu rất thông thường mà chị em thường gặp phải và dấu hiệu này cũng thường xuất hiện khi chuẩn bị bắt đầu chu kì kinh nguyệt.
4. Dấu hiệu táo bón và đầy hơi
Tình trạng táo bón hay các hiện tượng chướng bụng, đầy hơi có thể xảy ra ở bà bầu là do hormone progesterone tăng cao trong quá trình thai kỳ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Do vậy, lúc này bạn nên uống khoảng 7 – 8 cốc nước mỗi ngày để giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ các chất thải di chuyển ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.
5. Dấu hiệu trễ kinh và đi tiểu nhiều hơn
Đây là một dấu hiệu mang thai cơ bản mà chị em nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy hoặc có hiện tượng chảy máu nhưng ít hơn và ngắn hơn bình thường. Bên cạnh đó, dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn mà bạn gặp phải có thể xuất hiện 6 tuần sau khi thụ thai do áp lực của tử cung chèn lên bàng quang. Do vậy, nếu bạn đi tiểu nhiều hơn thường ngày thì có thể là bạn đã mang thai rồi đấy.
6. Dấu hiệu bị chuột rút, ra máu ngoài kinh
Dấu hiệu bị chuột rút cũng là hiện tượng bình thường xảy ra trong thai kỳ do tử cung của mẹ bầu cũng ngày càng lớn lên, cùng với đó là trọng lượng của bào thai chèn ép lên các mạch máu ở chi dưới gây ra hiện tượng chuột rút. Lúc này, bạn nên kết hợp canxi và xoa bóp nhẹ nhàng để giảm bớt tình trạng chuột rút.
Còn hiện tượng ra máu ngoài kinh thì sẽ có dấu hiệu ra một chút ít, có màu nhạt. Đây là dấu hiệu cho thấy trứng đã thụ tinh được khoảng 6 – 12 ngày, làm cho niêm mạc tử cung bị bong ra và xuất hiện máu. Đây là dấu hiệu khá bình thường nhưng nếu bạn còn hoài nghi điều gì thì nên đi bác sĩ khám để xác nhận một cách chính xác nhất nhé.
7. Dấu hiệu bị rối loạn thói quen ăn uống
Bạn có thể bị thay đổi hoàn toàn khẩu vị khi mang thai, chẳng hạn như những món trước đây bạn không thích ăn thì lúc này bạn lại thèm ăn những món đó hoặc ngược lại và điều này có thể kéo dài suốt thời gian thai kỳ. Hay cũng có một vài trường hợp bà bầu không thể ăn được gì trong thời gian mang thai và ngược lại. Đây cũng là một dấu hiệu rất bình thường, tuy nhiên bà bầu vẫn lên một chế độ ăn uống khoa học, cần phân biệt loại thực phẩm nào tốt hay không tốt để đảm bảo cho sức khỏe thai kỳ trong suốt thời gian mang thai nhé.
8. Dấu hiệu thân nhiệt bất thường, nhạy cảm với mùi
Sau khi thụ thai, sự thay đổi về nhiệt độ cơ thể sẽ cao hơn và nếu làn da ẩm ướt không thoát được mồ hôi sẽ làm cho mẹ bầu cảm thấy khó chịu. Dấu hiệu này cũng thường xảy ra ở chị em trước khi có kinh khoảng 6 – 12 ngày, nếu kéo dài 3 tuần thì bạn có thể đã mang thai rồi đấy.
Ở giai đoạn đầu mang thai bạn có thể bị nhạy cảm với các mùi như nước hoa, thuốc lá, cafe… khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Đây cũng là dấu hiệu khá bình thường và bà bầu chỉ có thể giảm bớt sự khó chịu bằng cách tránh xa những mùi này.
9. Dấu hiệu dương tính với thử máu, nước tiểu
Khi mang thai, lượng hCG trong máu và trong nước tiểu sẽ nhiều hơn, bạn có thể dùng que thử thai sau khi trễ kinh khoảng 2 tuần và thực hiện vào buổi sáng sẽ cho bạn một kết quả chính xác nhất hoặc bạn cũng có thể đến bệnh viện xét nghiệm máu. Đây là dấu hiệu hết sức bình thường nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm mà chăm sóc sức khỏe cơ thể cho tốt để chuẩn bị cho quá trình thai kỳ sắp tới nhé.
Diễm Phương (T/h)