Vào giai đoạn dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa cũng như các cơ quan quan trọng khác của bé chưa thật sự hoàn thiện và hoạt động tốt. Do đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với các bé dưới 1 tuổi, đây chính là tiền đề cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này. Ngoài những thực phẩm có lợi, mẹ cần lưu ý một số thực phẩm có thể gây hại cho bé.
Các thực phẩm đó là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này các mẹ nhé!
1. Sữa bò
Theo các chuyên gia, nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là sữa mẹ hoặc sữa bột công thức đối với các mẹ bị thiếu sữa. Do trẻ dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa còn yếu, chưa có khả năng tiêu hóa các enzim và protein có trong ra sữa bò nên có thể gây hại cho dạ dày và ruột, một số khoáng chất còn có thể khiến thận của trẻ bị tổn thương và gây ảnh hưởng đến sau này.
Thêm vào đó, trong sữa bò chứa rất ít chất dinh dưỡng, không thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển của trẻ trong những năm đầu tiên.
2. Mật ong
Là một thực phẩm, cũng là một loại thuốc khá quý và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 1 tuổi mật ong có thể trở thành mối nguy hại cho bé. Bởi vì trong mật ong chứa nhiều vi khuẩn clostridium botulinum, loại vi khuẩn này có thể vô hại cho người lớn nhưng lại là nguyên nhân khiến trẻ bị teo cơ, kém ăn, thậm chí bị bại liệt. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn mật ong dù nguyên chất hay chế biến cùng các loại thực phẩm khác.
3. Lòng trắng trứng
Trứng là một thực phẩm giàu protein, vitamin D và nhiều loại khoáng chất. Tuy nhiên, cho các bé dưới 1 tuổi ăn lòng trắng trứng gà có thể khiến trẻ bị dị ứng, đầy bụng và khó tiêu. Thời điểm có thể cho trẻ ăn lòng đỏ trứng gà là khi trẻ được 7 – 10 tháng tuổi và qua 3 tuổi mới cho trẻ ăn lòng trắng trứng vì khi đó cơ thể bé đã phát triển hệ thống miễn dịch chống lại dị ứng lòng trắng trứng.
4. Hoa quả, nước trái cây chứa nhiều vitamin C và axit
Tránh cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn các loại trái cây và nước trái cây như cam, quýt, bưởi, chanh. Những trái cây này chứa nhiều vitamin C và axit như: Cam, chanh, bưởi, quất… có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ. Nếu muốn cho trẻ uống nước trái cây (sau khi có sự đồng ý của bác sĩ) hãy lựa chọn các loại nước ép táo, lê, nho trắng và pha loãng với nước.
5. Hải sản
Như chúng ta đã biết hệ miễn dịch của trẻ em còn rất yếu, việc cho trẻ ăn các loại hải sản có thể gây dị ứng cho trẻ sơ sinh. Do đó, tốt nhất bố mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi cho bé ăn các loại cá, tôm, cua, ngao, ốc… đặc biệt là trong những gia đình có người bị dị ứng hải sản.
Nếu muốn nấu cháo ăn dặm có hải sản trong đó bố mẹ cần thử nấu một lượng ít cho trẻ ăn thử, theo dõi nếu bé không có vấn đề gì thì mới tiếp tục cho trẻ ăn thêm.
6. Thực phẩm miếng to, cứng
Khi trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn, bố mẹ cần chú ý không cho trẻ cầm, nắm các loại thực phẩm miếng to, cứng mà thay vào đó là các thực phẩm đươc cắt miếng nhỏ và nấu mềm đối với các loại rau củ, còn trái cây cần chọn loại đã mềm và cắt miếng mỏng để tránh làm mắc nghẹn.
Thêm vào đó, bố mẹ cần tránh không cho trẻ ăn các đồ ăn nhỏ, rắn, dễ mắc họng như lạc, bỏng ngô, bánh kẹo, hoa quả khô và các loại hạt vì chúng rất nguy hiểm cho các bé, có thể khiến trẻ bị nghẹn và ngạt thở.
Huyền Châu