Bên cạnh việc đảm bảo cho bé một cơ thể khỏe mạnh, thì việc làm sao để bé thông minh, nhanh nhẹn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, muốn giúp bé thông minh hơn, trước tiên cha mẹ cần biết sự phát triển não bộ của bé qua từng giai đoạn để từ đó có chế độ dinh dưỡng, luyện tập và chọn mua các đồ chơi thông minh cho trẻ
1. Giai đoạn sơ sinh
– Từ 0 – 6 tháng tuổi: Lúc vừa mới chào đời, não trẻ được hình thành bởi 100 tỷ tế bào và con số này tăng theo cấp số lũy thừa khi não của trẻ bắt đầu phát triển. Giai đoạn này có sự phát triển vượt bậc về thính giác và thị giác khi bé được 3 tháng tuổi. Mới sinh ra bé chỉ nhìn được những vật trong phạm vi khoảng 20 – 25 cm, tuy nhiên từ 3 tháng trở lên bé đã có thể nhìn được những vật ở xa và có chuyển động nhanh. Đồng thời, lúc này não bộ của bé cũng đã có những phản ứng với một số hoạt động xung quanh, chẳng hạn như khi nghe mẹ gọi bé biết quay lại nhìn, hoặc khi nghe giọng nói mẹ từ xa bé cũng có những biểu hiện vui vẻ, háo hức bằng cách cười, giơ chân tay lên…
– Từ 6 – 12 tháng: Bước qua tháng thứ 6, trẻ bắt đầu có sự phát triển vượt bậc về khả năng ngôn ngữ. Bé có khả năng ghi nhớ rất tốt và biết bắt chước theo. Bé cũng bắt đầu biết “nói chuyện” với ba mẹ và phát âm được một số từ như “ba ba”, “ma ma”, “cha cha”. Bé nhận ra được tên riêng của mình khi mẹ gọi tên, có những khái niệm cơ bản về các bộ phận trên cơ thể, biết làm theo các hành động của người lớn như vẫy tay, vỗ tay, mi gió… Giai đoạn này bé thường tò mò và thích khám phá mọi thứ xung quanh nên thường xuyên vận động và lục lọi đồ đạc. Thông thường, các bé thường bị thu hút bởi những món đồ có màu sắc bắt mắt và phát ra âm thanh.
2. Giai đoạn từ 1 – 5 tuổi
Ở lứa tuổi nhỏ từ 1 đến 5 tuổi, bé rất nhạy cảm với thế giới chung quanh, bé bắt đầu có ý thức hơn và thích tự làm một số việc như xúc cơm, lấy đồ dùng cho mẹ, tự cởi giày, rửa tay, mặc quần áo…Giai đoạn dưới 2 tuổi bé chỉ biết khoảng 40 từ ngữ, nhưng sang đến 4, 5 tuổi vốn từ của bé được nâng lên rõ rệt với khoảng 5000 từ. Lúc này, các bé rất thích bắt chước những từ ngữ mà bố mẹ và người lớn thường nói. Vì vậy, người lớn cần chú ý đến cách giao tiếp, tránh dùng các từ ngữ xấu làm ảnh hưởng đến nhận thức và phát triển của trẻ.
Đây cũng là giai đoạn các bé đã biết phân biệt các màu sắc và chức năng của một số đồ dùng cơ bản trong nhà như: quạt, nồi điện, giường, tủ, bàn, ghế…Đồng thời, bé thích nói chuyện, thích kể cho bố mẹ và người thân những chuyện đã xảy ra trong ngày, thích được nghe kể chuyện, hát và bé cũng đã nhận ra được trạng thái cảm xúc của mọi người xung quanh.
3. Giai đoạn 5 tuổi trở lên
Giai đoạn này, não bộ của trẻ vẫn rất dễ dàng tiếp thu và thay đổi bởi những yếu tố xung quanh. Vì thế những kinh nghiệm tích cực mà trẻ thu được trong thời kỳ này rất quan trọng đối với sự phát triển kỹ năng lâu dài và toàn diện của bé. Ở lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, đa số các bé 5 tuổi trở lên đều phát âm rõ ràng, biết tự viết được đúng tên mình, nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt, phát âm đúng phiên âm của các chữ cái, đếm được ít nhất đến 10, gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự…
Mỗi giai đoạn đều có sự phát triển về mặt trí não, tuy nhiên từ 5 tuổi trở đi bé biết nhận thức, học hỏi và khám phá những điều xung quanh. Sự phát triển trí não của các bé từ giai đoạn trên 5 tuổi không còn mang tính chất tự nhiên mà có sự ảnh hưởng rất lớn từ môi trường giáo dục, gia đình và xã hội. Vì vậy, bố mẹ cần phối hợp với nhà trường, xã hội để giáo dục trẻ được tốt nhất.
Thảo Hà