Facebook và những website như Yahoo 360, Friendster… là một phần trong trào lưu mạng xã hội trực tuyến, khuyến khích mọi người lập hồ sơ cá nhân để mô tả về sở thích, công việc, thậm chí cả những biến đổi tâm trạng của họ.
“Một người đang hào hứng kể về sự kiện mà họ nghĩ bạn chưa biết thì bạn cắt ngang ‘Ờ, tớ xem ảnh của cậu rồi’. Mạng xã hội khiến bạn ‘tiếp nhận’ quá nhiều thông tin mà trước đây bạn chỉ biết nếu ai đó chịu kể cho bạn nghe”, Rose Khalilizadeh, 19 tuổi người Mỹ, nói.
Trang Facebook bắt đầu hoạt động từ năm 2004 và dành cho sinh viên Mỹ. Không như chatroom, người sử dụng không ẩn danh và về cơ bản họ chỉ giao tiếp với những người họ quen trong đời thực. Nói cách khác, người tham gia như đang sinh hoạt trong một “phòng ngủ tập thể khổng lồ”.
“Nhưng đây là một trang web hoạt động công khai, do vậy bất cứ ai cũng có thể đọc, tìm kiếm và lục lại thông tin từ vài năm trước của một người nào đó”, Kate Crawford, giảng viên về truyền thông trực tuyến thuộc Đại học Sydney (Australia), nhận xét.
Người tham gia đã thấm thía điều này khi các cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ sử dụng Facebook để điều tra những trường hợp sử dụng ma túy và một thành viên bị cho là có âm mưu ám sát tổng thống George Bush. Vấn đề là những người đó không hề có ý định phạm pháp, họ chỉ trêu đùa và thiếu suy nghĩ khi viết ra những thông tin như thế.
“Bạn thực hiện một hành động ngốc nghếch, điên rồ nhằm lưu giữ kỷ niệm về ngày tốt nghiệp rồi đăng lên YouTube. Khi ấy, nó trở thành ‘tài sản công cộng’ và bạn không thể biết được ai đã xem video đó. Nếu đó là giám đốc nơi bạn xin vào và cách nhìn nhận của ông ấy về hành động trong video trái ngược với bạn thì hậu quả rất khó lường”, Crawford nói. “Và chuyện gì sẽ xảy ra khi câu chuyện ‘ân ái sập cả giường’ đến tai hội đồng bảo vệ đồ án của sinh viên kia?”.
Theo: VnExpress